Ở mỗi miền trên đất nước Việt Nam đều có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người, mỗi vùng miền lại mang một đặc trưng và màu sắc riêng. Đó là vùng núi cao phía Bắc với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng với những thảm ruộng bậc thang hòa lẫn sắc áo rực rỡ của người dân tộc. Miền Nam với những đồng ruộng mênh mông cánh cò bay cùng với gương mặt hiền hòa của người dân.
Và mảnh đất miền Trung với nắng và gió là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa và sự sáng tạo đặc sắc của con người sẽ mang đến cho du khách một cảm nhận khác rất riêng, rất đặc sắc.
Đến với miền Trung, du khách sẽ được khám phá nhiều đặc sắc miền Trung, nhiều sắc màu văn hóa đa dạng, rực rỡ, phong phú và riêng biệt về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực và con người.
Tham khảo : Quý khách có nhu cầu du lịch về miền trung có thể sử dụng dịch vụ cho thuê xe du lịch giá rẻ của chúng tôi.
Đó là di sản bằng đá Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) – tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) – kiệt tác của thiên nhiên với nhiều kỷ lục thế giới như hang có kích thước lớn nhất, dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, hồ ngầm đẹp nhất…;
Huế với sự tinh tế của Nhã nhạc cung đình Huế, sự thâm nghiêm của Quần thể di tích cố đô Huế – di sản được UNESCO xem là “một thí dụ điển hình về đô thị hóa và kiến trúc của một kinh đô phòng thủ, thể hiện quyền lực của vương quốc phong kiến cổ của Việt Nam ở thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XIX”.
Đặc biệt, du lịch Quảng Nam – 1 điểm đến hai di sản: Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn – là những bằng chứng sống động về sự giao thoa văn hóa cùng với những giá trị kiến trúc, điêu khắc điển hình. Trong đó, đô thị cổ Hội An là sự bảo tồn hoàn hảo của một cảng châu Á truyền thống, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung, Nhật; còn Thánh địa Mỹ Sơn là một Angkor của Việt Nam, một ví dụ tiêu biểu về sự trao đổi văn hóa với Ấn Độ, Chămpa.
Nếu như du khách đi về phía tây, sẽ đến với những kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là đến với cả một vùng văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số trải dài khắp 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng.
Ở miền Trung du khách còn có cơ hội tận hưởng nhiều bãi biển tuyệt đẹp, cảng biển thơ mộng với các hệ sinh thái điển hình như đầm phá, vùng cát, san hô… ở Lăng Cô, Cà Ná, Cửa Đại, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Du khách cũng có thể xuôi theo các dòng sông, thả thuyền trên các đầm phá ngắm những cảnh sắc đẹp và tĩnh lặng như tranh thủy mặc hay phiêu lưu với những hoạt động mạo hiểm trên biển như lướt sóng, nhảy dù, lặn ngắm san hô…
Trên mỗi bước đi ở vùng đất này, du khách sẽ luôn bắt gặp những giá trị văn hóa tinh tế, vừa truyền thống vừa hiện đại với những gam màu rực rỡ, sâu lắng. Để rồi, ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng du khách chính là lòng hiếu khách, sự hiền hòa, chân thật, giản dị của cư dân nơi đây – những con người bằng tài năng và trí óc đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa bền vững, độc đáo, sống mãi với thời gian.